Máy giặt là thiết bị cần thiết trong mỗi gia đình, giúp giải phóng sức lao động con người. Tuy nhiên, sau khi lấy quần áo ra khỏi máy giặt, nhiều người lại hiểu nhầm về thao tác tiếp theo. Một số đóng lại luôn để tránh bụi bẩn lọt vào, số khác lại luôn mở cửa máy giặt, đón nắng gió nhằm tránh ẩm mốc. Tuy nhiên, cả hai cách này đều chưa chính xác.
Máy giặt vừa sử dụng, phải mở cửa để thông gió và khô. Nếu nhìn qua lớp kính cửa máy sau khi giặt, sẽ thấy những giọt nước nhỏ bao phủ. Nếu không lau khô kịp thời, phần máy bên trong dễ bị ẩm ướt, gây ẩm mốc, ảnh hưởng tới tuổi thọ của máy.
Điều đúng đắn sau khi sử dụng là dùng giẻ sạch có tính thấm nước tốt, nhanh chóng lau khô thùng bên trong máy giặt, đặc biệt ở màng bao và lót cao su của máy giặt lồng ngang. Đây là bộ phận chắn khiến nước trong lồng giặt không bị tràn ra ngoài.
Tuy vậy, lớp lót cao su sẽ cản trở không khí lưu thông, hơi nước vì thế không thoát ra ngoài được. Nếu không lau sạch, hơi nước cộng với cặn bột giặt bị kẹt trong lớp cao su của máy sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Hậu quả là quần áo sẽ có mùi hôi, thậm chí vi khuẩn có thể bám vào quần áo sau mỗi lần giặt, dễ gây kích ứng da hoặc ngứa ngáy.
Sau khi lau khô, mở cửa máy giặt để thông gió hai tiếng trước khi đóng lại. Bằng cách này, nước còn lại bên trong sẽ bay hơi, do đó có thể ngăn ngừa nấm mốc.
Tại sao không mở cửa máy giặt nhiều thời gian hơn? Lý do là do bụi bẩn bên ngoài sẽ lọt vào. Ngoài ra, khi mở càng lâu, lực tác động lên điểm kết nối giữa cửa và máy giặt càng lớn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy.
Với những gia đình có không gian chật hẹp, nếu mở hết cỡ cửa máy giặt sẽ khó khăn trong việc di chuyển. Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách mở hé vừa đủ cho không khí lưu thông.
Một số nghiên cứu đã chứng minh máy giặt sử dụng trong ba tháng sẽ xuất hiện vi khuẩn cứng đầu. Nếu mở máy giặt ngửi thấy mùi khó chịu, có nghĩa đã đến lúc bạn nên làm sạch máy. Bằng không vi khuẩn sẽ bám vào quần áo, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo vnexpress.net